Quản lý đau

Quản lý đau

Quản lý đau

Ngày đăng: 29/10/2024 Lượt xem: 676

SGR - Mọi người đã thường quen với từ quản lý, như quản lý tiền bạc, quản lý thời gian, quản lý con cái, thậm chí nhiều người còn được vinh danh là tiến sĩ, giáo sư của các ngành quản lý được đào tạo trong các trường đại học. Nhưng, khi có tuổi hay trải qua biến cố nào đó, trước các cơn đau, người ta tại rên rỉ, khổ đau, “bái thầy” khắp nơi để chữa bệnh và có khi thất bại, loay hoay với các cơn bệnh mãn tính của mình. Tôi cũng là một người trong số đó. Cho đến khi tôi đặt cho mình mục tiêu: phải quản lý đau, và từ đó, tôi “tầm thầy” quản lý đau. Tôi ví sự khám phá đó như một khám phá đặc biệt và quan trọng nhất của cuộc đời mình.

Các cơn đau bệnh trong người có thể quản lý không? Các nhà khoa hoc, y học thế giới đã nghiên cứu nhiều về quản lý đau, và y học Việt Nam cũng đã công nhận, và đưa vào áp dụng qua sự hướng dẫn của các bác sĩ.

Thông tin từ bệnh sử và khám thực thể giúp bác sĩ hướng dẫn chọn lựa các xét nghiệm cận lâm sàng và kiểm tra hình ảnh để xác định các nguyên nhân có thể gây đau và hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc điều trị đau. Có những loại đau bắt buộc phải dùng thuốc hoặc phẩu thuật do bác sĩ chỉ định, thăm khám thường xuyên để không gây biến chứng không thể cứu vãn, như đau do ung thư, đau thần kinh, đau nặng cơ xương khớp,…

Đau thường được phân loại là cấp tính hoặc mạn tính. Đau cấp thường xuất hiện có tổn thương mô, các thụ thể đau ngoại vi và các sợi thần kinh cảm giác cảm nhận đau bị kích hoạt. Đau cấp thường gây lo âu và tăng hoạt hệ thần kinh giao cảm (tim đập nhanh, thở dốc, cao huyết áp,tiết mồ hôi, …). Đau mạn tính do tổn thương thời gian dài hay rối loạn chức năng thần kinh ngoại biên hay hệ thống thần kinh trung ương, gây mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, mất ham muốn, táo bón, chán ăn, sút cân và trầm cảm. Bệnh nhân có thể không muốn di chuyển phần đau của cơ thể, dẫn đến teo cơ, trật khớp, cứng khớp, mất xương và hạn chế vận động.

Con người khác nhau trong khả năng chịu đau. Cách chúng ta trải nghiệm cảm giác đau được ảnh hưởng bời nhiều yếu tố như cấu trúc gen, tâm trạng, tính cách và lối sống, còn phụ thuộc vào những kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ. Nếu chúng ta trải qua cảm giác đau trong thời gian dài, não bộ có thể nhận biết các tín hiệu ngay cả khi không có tín hiệu nào được gửi đi.

Suy nghĩ và cảm xúc có một vai trò quan trọng trong nhận thức của đau và điều chỉnh cơn đau. Sự can thiệp về nhận thức, hành vi (thay đổi lối sống, thư giãn, thôi miên, kỹ thuật phân tâm, kỹ thuật thở, thiền, yoga, tập trung suy nghĩ tích cực,…), tập trung suy nghĩ của bệnh nhân khỏi những ảnh hưởng và hạn chế của cơn đau có thể giảm đau và giảm tàn tật liên quan đến đau, tăng cường khả năng chịu đựng. Cụm từ để sử dụng là tâm lý trị liệu. Bác sĩ nên đưa ra các khuyến cáo cụ thể cho việc tăng dần hoạt động thể chất và sự tham gia các hoạt động xã hội. Mức độ giảm đau tùy thuộc vào loại đau và kỹ thuật sử dụng.

Hít thở sâu là một trong các liệu pháp giảm đau, thư giãn

 

Một số kỹ thuật y học như vật lý trị liệu, chỉnh hình - phục hồi chức năng, châm cứu, bấm huyệt, nắn khớp xương, tập thể dục, xoa bóp, máy kích thích điện tần số thấp qua da, giải mẫn cảm,… đôi khi được sử dụng, đặc biệt là để điều trị đau mạn tính.

Một số chuyên gia cho rằng việc kết hợp nhiều biện pháp điều trị lại với nhau có thể mang lại kết quả tốt nhất cho việc kiểm soát cơn đau. Cơn đau và các biện pháp điều trị thường rất phức tạp, giải pháp tốt nhất dành cho một người có thể không hiệu quả khi dùng cho người khác, nên để có được biện pháp tốt nhất thì cần phải kết hợp đúng các giải pháp tùy theo cá nhân.

Kết luận:

Có nhiều phương pháp điều trị dành cho đau mạn tính. Nên đi khám ngay nếu như có các triệu chứng của đau mạn tính. Tùy từng bệnh nhân mà có thể phối hợp các biện pháp lại với nhau để được kết quả điều trị tốt nhất.

Cao Hoàng Lan

(sưu tầm và tổng hợp)