Tìm hiểu và vận hành theo tiêu chuẩn ISO
Ngày đăng: 21/11/2024 Lượt xem: 698
Nguyễn An Thúy
SGR - Ngày nay trên bảng hiệu, trang web, giấy tiêu đề của các tổ chức, công ty, bạn dễ dàng thấy biểu tượng chứng nhận đạt chuẩn ISO ngay tại vị trí đẹp nhất của bảng thông tin đó. Thỉnh thoảng có thể nghe nói: Căng lắm, đang tập trung làm ISO. Và mỗi năm tại mỗi đơn vị đều có tuyển nhân viên mới đa phần lạ lẫm về khái niệm ISO. Rất có ích để bạn bỏ túi bài viết này, để hiểu một cách tổng hợp nhất về ISO, vì trong tiến trình vận hành, doanh nghiệp không thể làm chậm lại guồng máy đang hoạt động để tập huấn các bạn còn thiếu thông tin về ISO, mà chỉ phân công một số người quản lý hệ thống ấy.
ISO là tên viết tắt của chữ tiếng Anh “International Organization for Standardization” - dịch là “Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế”. Đây là một tổ chức phi chính phủ được thành lập ngày 23/2/1947, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ, có nhiệm vụ phát triển và xuất bản các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ công tác quản lý hành chính sự nghiệp, sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tăng cường an toàn và chất lượng; với 3 ngôn ngữ chính là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Gần như tất cả các quốc gia đã tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn ISO. Việt Nam là nước thứ 77 tham gia vào hệ thống này. Nên ISO là tổ chức phi chính phủ đặc biệt có sức mạnh thuyết phục trên toàn thế giới. Hiện có hơn 20.000 tiêu chuẩn ISO quốc tế. Chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO giúp củng cố thương hiệu của đơn vị trong tầm quốc gia và cả quốc tế, giúp đơn vị vận hành hiệu quả trong các chuẩn mực đã được công bố áp dụng toàn thế giới.
Các trung tâm kiểm định chất lượng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam có nhiệm vụ phổ biến thông tin, tiếp nhận đăng ký nhận sự đánh giá kiểm định chất lượng theo phiên bản gốc, hướng dẫn cho các đơn vị, kiểm tra định kỳ và cấp giấy chứng nhận cho đơn vị đăng ký. Một tổ chức, đơn vị, doanh nhiệp có thể đăng ký vận hành để được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO ứng với một hoặc nhiều bộ tiêu chuẩn ISO quốc tế. Các tiêu chuẩn ISO được biên soạn lại thành Tiêu chuẩn Việt Nam, được phổ biến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, tùy từng lĩnh vực mà cơ quan quản lý đầu ngành có những bộ tiêu chuẩn riêng để đánh giá các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở tổng hợp, biên soạn lại từ các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định Việt Nam đã ban hành trước đó.
Tại Việt Nam, phổ biến có 7 bộ tiêu chuẩn ISO sau, không ít đơn vị vận hành ít nhất 2 tiêu chuẩn ISO; đó là:
1. ISO 9001:2015 - Hệ thống quản lý chất lượng
2. ISO 13485 - Hệ thống quản lý thiết bị y tế
3. ISO 14001:2015 - Hệ thống quản lý môi trường
4. ISO 22000:2018 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm
5. ISO 27001-2013 - Hệ thống quản lý an toàn thông tin
6. ISO 45001:2018 - Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe
7. ISO 50001 - Hệ thống quản lý năng lượng
Vâng, không ít các cơ quan, tổ chức vận hành có liên quan đến cả 7 hệ thống trên. Sẽ rất có ích nếu bạn tìm hiểu sâu sát 1 bộ tiêu chuẩn và tham khảo các bộ tiêu chuẩn khác khi có dịp.
Kết cấu của Bộ tiêu chuẩn ISO:2015 - Hệ thống quản lý chất lượng (hệ thống được áp dụng phổ biến nhất tại Việt Nam) bao gồm những hạng mục cơ bản theo thứ tự sau:
1. Bối cảnh của tổ chức: Bạn phải hiểu bối cảnh tổ chức của đơn vị mình trước khi giải quyết bất kỳ vấn đề nào.
2. Lãnh đạo: Vâng, bất kỳ tổ chức nào muốn thành lập đều đầu tiên phải có ban lãnh đạo, ban này nắm quyền quyết định trong những vấn đề phát triển của tổ chức về sau; thành bại đều chủ yếu từ ban quyết sách này.
3. Hoạch định: Hoạch định là kim chỉ nam để thành công. Làm việc không có hoạch định dễ thất bại hay gặp rối rắm. Cho nên đây là cốt lõi thứ ba.
4. Nguồn lực: Sau khi có kế hoạch thì phải có người, phương tiện (máy móc, văn bản, hệ thống quản lý,…) để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện kế hoạch đã lập. Hệ thống ISO chỉ ra cần quản lý nguồn lực đó như thế nào.
5. Thực hiện: Đây là bước cốt lõi vận hành một đơn vị. Hệ thống ISO chỉ ra thực hiện cần tuân thủ quản lý gì: đầu vào, đầu ra, thiết kế, nhà cung ứng, kiểm soát sự thay đổi và điều chỉnh, thông qua sản phẩm hàng hóa - dịch vụ,…
6. Đánh giá kết quả thực hiện: Việc thực hiện cần phải được đánh giá thường xuyên và định kỳ, bởi người trong tổ chức, và bên ngoài tổ chức (nếu có). Việc đánh giá này sẽ xem xét những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được, tìm hiểu và phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp, nhằm đảm bảo công việc mỗi ngày một tốt hơn.
7. Cải tiến: Từ việc thực hiện, đánh giá việc thực hiện, sẽ yêu cầu định hướng cải tiến và duy trì cải tiến liên tục để phát triển đơn vị ngày một vững mạnh, nâng cao vị thế của đơn vị trong ngành, trong quốc gia và trên thế giới.
Rất vui nếu các bạn thấy bài viết này hữu ích và áp dụng thành công. Các bạn có thể chia sẻ ý kiến về địa chỉ info@saigoner.vn.