Vài nét về Trung Đông (Phần 1)

Vài nét về Trung Đông (Phần 1)

Vài nét về Trung Đông (Phần 1)

Ngày đăng: 29/10/2024 Lượt xem: 673

SGR - Trung Đông hiện là khu vực trung tâm của 3 Châu Lục: Á, Âu, Phi, từ phía đông và phía nam Địa Trung Hải đến ven sát bờ vịnh Ba Tư và Ai Cập thuộc châu Phi, khai thông Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, đầu mối giao thông trọng yếu của phương đông và phương tây; là vùng "một vịnh, hai đại dương, ba châu lục, năm biển" (biển Cát-xpi, biển Đen, Địa Trung Hải, biển Đỏ và biển Ả Rập); một tổ tiên, hai dân tộc, ba lần lưu tán.

Trung Đông có khí hậu chủ yếu là khí hậu sa mạc nhiệt đới, khí hậu Địa Trung Hải và khí hậu tính lục địa ôn đới, chủ yếu là cao nguyên và đồng bằng. Các đồng bằng có diện tích nhỏ hẹp, chủ yếu phân bố ở thung lũng sông Nin và tam giác châu sông Nin ở Ai Cập, cùng lưu vực Lưỡng Hà (sông Ơ-phơ-rát và sông Ti-gơ-rít) nay thuộc Iraq, chúng lần lượt là cái nôi của văn minh Ai Cập cổ đại và văn minh Babylon cổ đại. Ngoài ra, dọc sát bờ Địa Trung Hải cũng có các đồng bằng nhỏ hẹp.  

Trung Đông là khu vực đa dạng về tôn giáo. Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất ở Trung Đông, nhưng các tôn giáo bản địa khác như Do Thái giáo và Kitô giáo cũng có lịch sử lâu đời và đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra còn có các tôn giáo thiểu số khác.

Trung Đông là khu vực có trữ lượng dầu thô lớn nhất, sản xuất và vận chuyển dầu thô nhiều nhất trên thế giới. Dầu thô Trung Đông chủ yếu phân bố ở vịnh Ba Tư và khu vực ven sát bờ biển. Bởi vì lượng tiêu thụ dầu thô của bản thân rất ít, hơn 90% dầu thô do Trung Đông sản xuất chuyển đến các nước và khu vực như Tây Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc,… nhất cử nhất động biến động đều có ảnh hưởng trên toàn cục về sự phát triển kinh tế thế giới.

Tài nguyên nước ở Trung Đông thiếu thốn cực độ, hình thành đối lập rõ ràng với phong phú tài nguyên dầu thô. Thiếu thốn tài nguyên nước ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống và sản xuất của người dân Trung Đông.

Vì mục đích tranh đoạt tài nguyên nước ngọt khan hiếm và tài nguyên dầu thô quý báu, cũng bởi vì khác biệt văn hoá và tôn giáo, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, khu vực này liên tục rối ren bất ổn. Xung đột giữa các nước Arab (bao gồm Palestine) và Israel hay xảy ra, dài nhất trên thế giới. Vấn đề Trung Đông là sản phẩm lịch sử do các cường quốc lớn tranh đoạt.

Chiến tranh trong nhiều năm khiến cho các nước Trung Đông cảm thấy nguy hiểm bất an, chạy đua quân bị, mua vũ khí, thuốc súng từ các nước phát triển. Điều này ở mức độ nhất định dẫn đến việc giảm bớt đầu tư vào kinh tế quốc gia và sinh kế nhân dân, đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khổ của một số nước.

Nhà thờ Kitô giáo và Thánh đường Hồi giáo cạnh nhau tại Beirut, Liban.

Trung Đông gồm 17 nước, có diện tích khoảng 7,2 triệu kilômét vuông, dân số khoảng 371 triệu. Các nước Trung Đông bao gồm: Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, Israel, Palestine, Syria, Lebanon, Jordan, Yemen, Cyprus, Bahrain, Arabia Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

1) Vài nét về Iran:

Iran sở hữu một trong những nền văn minh cổ đại nhất thế giới, hơn nửa dân số là người Ba Tư. Iran sở hữu ngọn núi lửa cao nhất Châu Á - đỉnh Damavand cao 5.609,2 m. Iran là đội tuyển bóng đá mạnh nhất châu Á, được đánh giá cao hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nghề dệt thảm của Iran có nguồn gốc từ thời Đồ Đồng. Iran là nước sản xuất và xuất khẩu thảm thủ công lớn nhất thế giới, chiếm 30% thị phần xuất khẩu thảm trên thế giới. Thảm Iran nổi tiếng về sự tinh xảo và đắt đỏ.

2) Vài nét về Iraq:

Thủ đô Iraq là Bagdad. Iraq là một trong những quốc gia xuất khẩu chà là lớn nhất thế giới và có truyền thống nuôi ong từ rất lâu đời, khoảng trên 5,000 năm. Hệ thống chữ viết cổ nhất trên thế giới được phát triển tại Iraq cách đây khoảng 3,200 năm, sử dụng khoảng 600 ký hiệu. Người Babylon (vùng đất thuộc Iraq ngày nay) đã chia một giờ thành 60 phút và một phút thành 60 giây từ cách đây hàng nghìn năm. Câu chuyện Alibaba và 40 tên cướp ra đời tại Iraq cách đây khoảng 1,000 năm. Những câu chuyện về Bagdad xuất hiện nhiều trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm, được sáng tác bằng tiếng Ả Rập trong thời đại hoàng kim của Hồi giáo.

3) Vài nét về Kuwait:

Bằng chứng sớm nhất về việc loài người cư trú tại Kuwait có niên đại từ 8000 TCN, là các công cụ thời kỳ đồ đá giữa phát hiện tại Burgan. Kuwait là một trong các quốc gia nhỏ nhất thế giới về diện tích, nhưng là quốc gia thu nhập cao nhờ có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ sáu thế giới, là đô thị giàu có và hiện đại bậc nhất ở Trung Đông. Kuwait là trung tâm ngành đóng tàu trong khu vực vịnh Ba Tư. Kuwait là một trong những quốc gia nóng nhất hành tinh. Hầu hết người dân Kuwait và những người giàu ít bị ảnh hưởng của tác động nhiệt độ cao. Họ có tài chính nên đủ khả năng chi trả cho những thiết bị hiện đại. Những ngôi nhà, trung tâm mua sắm và xe hơi đều được trang bị điều hòa, và những người dư dả thường dành mùa hè ở châu Âu. Từ năm 2001 đến năm 2009, Kuwait có chỉ số phát triển con người HDI cao nhất trong thế giới Ả Rập. Năm 2014 và 2015, Kuwait xếp hạng nhất trong các quốc gia Ả Rập theo Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu. Kuwait có hệ thống y tế được nhà nước tài trợ, theo đó công dân Kuwait được điều trị miễn phí. Kuwait có tỷ lệ biết chữ cao nhất trong thế giới Ả Rập. Giáo dục tại cấp tiểu học và phổ thông cơ sở là bắt buộc đối với trẻ 6-14 tuổi. Tất cả các cấp giáo dục đều miễn phí, bao gồm đại học.

4) Vài nét về Oman:

Oman là một trong số các quốc gia an toàn nhất hế giới, vì người dân nhờ vào dầu mỏ, đều có kinh tế ổn định. Thủ đô Muscat nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng. Thủ đô Muscat là nơi sản xuất những loại nước hoa đắt nhất thế giới, giá thấp nhất hàng trăm USD. Thành phần nước hoa Amouage nổi tiếng chỉ có thể mua được trong lãnh thổ Oman. Biểu tượng quốc gia Oman là dao găm Oman. Tấm thảm tại Nhà thờ Hồi giáo Lớn Sultan Qaboos tại Muscat từng giữ kỷ lục Guiness là tấm thảm lớn nhất thế giới. Đồng rial của Oman được xem là một trong những loại tiền tệ có giá trị trên thế giới, tương đương 2,5 USD hoặc 2,3 Euro.  

5) Vài nét về Quatar:

Quatar được mệnh danh là đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên là “Vàng Đen” lớn nhất thế giới. Quatar đăng cai World Cup 2022. Thủ đô Doha của Quatar nằm bên bờ vịnh Ả Rập, là một trong những thành phố giàu có nhất và  an toàn nhất thế giới. Chế độ phúc lợi của người dân ở đây rất tốt. Công dân nước này không phải đóng thuế, không phải trả một xu nào tiền khám sức khỏe, tiền khí đốt, tiền điện... điều mà chưa một quốc gia nào có được. The Pearl là khu vực có phố đi bộ dài nhất trên thế giới và cũng được mệnh danh là một trong những hòn đảo nhân tạo đẹp nhất thế giới.

6) Vài nét về Ai Cập:

Ai Cập là một quốc gia liên lục địa có phần lớn lãnh thổ nằm tại Bắc Phi, cùng với bán đảo Sinai thuộc Tây Á. Ai Cập có lịch sử vào hàng lâu đời nhất, là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới vào thiên niên kỷ 10 TCN và đã trải qua một số bước phát triển sớm nhất về chữ viết, nông nghiệp, đô thị hoá, tôn giáo có tổ chức và chính phủ trung ương. Di sản văn hoá phong phú của Ai Cập là bộ phận của bản sắc dân tộc, từng phải chịu ảnh hưởng mà đôi khi là đồng hoá từ bên ngoài như Hy Lạp, Ba Tư, La Mã, Ả Rập, Ottoman, và châu Âu như Anh, Pháp. Ai Cập có trên 100 triệu dân, là quốc gia đông dân nhất tại Bắc Phi và thế giới Ả Rập, là quốc gia đông dân thứ ba tại châu Phi và thứ 14 trên thế giới. Sa mạc Sahara chiếm hầu hết lãnh thổ Ai Cập, song có cư dân thưa thớt. Khoảng một nửa cư dân Ai Cập sống tại khu vực thành thị, các trung tâm dân cư đông đúc là Đại Cairo, Alexandria và các thành phố lớn khác tại đồng bằng châu thổ sông Nin. Ai Cập hiện đại là một cường quốc khu vực và cường quốc bậc trung, có ảnh hưởng đáng kể về văn hoá, chính trị và quân sự tại Bắc Phi, Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Kinh tế Ai Cập nằm vào hàng lớn nhất và đa dạng nhất tại Trung Đông.

Mời các bạn xem tiếp phần 2 của bài viết “Vài nét về Trung Đông” vào kỳ sau.

Nguyễn An Khang

(sưu tầm và tổng hợp)